Tin mới nhất

Tin mới nhất

5 lợi ích thiết thực khi phát triển điện mặt trời cho doanh nghiệp

29.01.2022

Không chỉ tiết kiệm chi phí sử dụng điện, việc phát triển điện mặt trời cho doanh nghiệp còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực khác. Vì thế, ngày càng nhiều doanh nghiệp tận dụng mái nhà xưởng, văn phòng, tòa nhà đang nhàn rỗi để lắp đặt nguồn điện sạch này.

Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đã đạt tới khoảng 19.400 MWp (trong đó có gần 9.300 MWp là điện mặt trời mái nhà), tương ứng khoảng 16.500 MW – chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện Quốc gia, 21 tỉnh thành phía Nam chiếm 50,73% công suất lắp đặt toàn hệ thống. Việc tận dụng mái nhà đang nhàn rỗi để phát triển điện mặt trời cho doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích thiết thực như:

Tiết kiệm chi phí sử dụng điện

Tiết kiệm chi phí sử dụng điện là lợi ích đầu tiên mà doanh nghiệp nhận được khi lắp đặt điện mặt trời, cũng là mục đích đầu tiên của hầu hết các doanh nghiệp khi đầu tư hệ thống năng lượng sạch. Điện mặt trời tạo ra từ hệ thống phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp giảm mua điện từ lưới điện quốc gia, tối ưu chi phí điện, tiết giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Giá điện kinh doanh vào giờ cao điểm hiện gần 4.300 đồng/kWh nên điện mặt trời phát huy tối đa lợi ích tiết kiệm tiền điện cho doanh nghiệp. Cũng chính vì thế, thời gian hoàn vốn điện mặt trời của doanh nghiệp kinh doanh ngắn nhất so với các đối tượng sử dụng khác, cực kỳ lý tưởng để doanh nghiệp đầu tư. Với các nhà máy, xưởng sản xuất, giá điện sản xuất là gần 3.000 đồng/kWh vào giờ cao điểm nên thời gian hoàn vốn điện mặt trời tăng lên 1-2 năm so với đối tượng sử dụng điện kinh doanh; tuy nhiên vẫn rất hợp lý khi xét đến tính chất đầu tư lâu dài của hoạt động sản xuất và tuổi thọ 25 – 30 năm của hệ thống điện mặt trời.

Hiện nay, với chính sách khuyến khích của Nhà nước về phát triển điện mặt trời, các doanh nghiệp có thể bán điện dư cho ngành điện với giá ưu đãi FIT 2. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của Hawee Energy, đa phần các doanh nghiệp hiện nay vẫn lắp đặt điện mặt trời với mục đích chính là phục vụ nhu cầu tại chỗ; sản lượng dùng tại chỗ và bán lại cho điện lưới được cân đối ở mức 70-80% và 20-30%.

Làm mát văn phòng, nhà xưởng…

Bên cạnh “nhiệm vụ chính” là sản xuất ra điện, giàn pin năng lượng mặt trời lắp trên mái nhà còn giúp làm mát cho công trình văn phòng, nhà xưởng… bên dưới, trở thành một giải pháp chống nóng hiệu quả. Đó là vì các tấm pin khi hấp thu năng lượng của ánh sáng mặt trời để tạo ra điện sẽ giữ lại nhiệt năng ở trên bề mặt tấm pin. Do đó, mái nhà được giải nhiệt, công trình bên dưới sẽ mát mẻ hơn nhiều, nhất là với mái tôn – loại mái phổ biến nhất ở các nhà xưởng sản xuất hiện nay.

Nhiệt độ của văn phòng, nhà xưởng thấp hơn sẽ giúp tiết kiệm điện cho hệ thống làm mát như quạt, máy điều hòa … đồng thời làm tăng độ bền và hiệu quả hoạt động của các máy móc, thiết bị bên trong công trình. Đặc biệt, không gian mát mẻ còn tốt cho sức khỏe của các công nhân viên, người lao động, giúp họ cảm thấy thoải mái hơn, từ đó nâng cao năng suất lao động và mức độ gắn bó với doanh nghiệp.

Tăng độ bền cho mái

Một lợi ích khác khi lắp đặt điện mặt trời cho doanh nghiệp là giúp tăng độ bền cho mái. Những tấm pin năng lượng mặt trời sau khi lắp đặt trên mái nhà sẽ trở thành một “lá chắn” che nắng, che mưa cho mái, giúp mái bền bỉ hơn qua thời gian. Nhất là với mái tôn, nếu tiếp xúc trực tiếp với thời tiết mưa nắng thời gian dài sẽ dễ dẫn đến rỉ sét, hư hỏng. Mái nhà xưởng, văn phòng có độ bền cao sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm kinh doanh, sản xuất, giảm chi phí sửa chữa cũng như tránh những nguy cơ như: mái dột khiến nước mưa làm hư hại sản phẩm, làm gián đoạn công việc, phải tạm ngưng hoạt động để phục vụ cho việc sửa chữa…

Xây dựng thương hiệu “xanh”

Đây không chỉ là một lợi ích của điện năng lượng mặt trời mà còn được xem là động lực dài hạn để nhiều doanh nghiệp quyết định “xuống tiền” lắp đặt hệ thống. Bởi vì, xu hướng tiêu dùng hiện nay ngày càng quan tâm, ủng hộ các sản phẩm được sản xuất “xanh”, dùng nguyên liệu, nguồn năng lượng sạch. Thậm chí, một số tập đoàn lớn trên thế giới còn đặt ra chỉ tiêu bắt buộc một lượng điện sử dụng nhất định là điện sạch. Việc xây dựng thương hiệu “xanh” sẽ giúp doanh nghiệp đến gần khách hàng hơn, đồng thời mở rộng cơ hội để hợp tác với các đối tác nước ngoài. Với những doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu đi Âu Mỹ, chẳng hạn như ở các ngành dệt may, giày da… các đối tác thường có yêu cầu về phát triển bền vững, sản xuất song song với bảo vệ môi trường nên việc lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng mang lại lợi ích rất lớn.

Xu hướng hiện nay là phát triển công nghiệp, kinh doanh, sản xuất phải đi cùng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường nên phát triển điện mặt trời cho doanh nghiệp trở thành một xu thế tất yếu. Nếu được tận dụng tốt, nó sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh, giúp doanh nghiệp bứt phá trên thị trường.

Giảm nguy cơ thiếu điện ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, do nhiều nguồn điện lớn bị chậm tiến độ nên việc cung ứng điện giai đoạn 2021-2025 tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, do tập trung nhiều nhà máy và xưởng sản xuất, kho logistic… nên nhu cầu điện năng rất lớn. Điều này không chỉ tạo áp lực cho ngành điện mà còn có thể tác động trực tiếp đến chính doanh nghiệp. Bởi vì, nếu xảy ra cắt điện do thiếu điện thì hoạt động kinh doanh, sản xuất sẽ bị trì trệ, thiệt hại không chỉ là kinh tế mà cả uy tín của doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp chủ động tạo nguồn điện tại chỗ bằng hệ thống điện mặt trời trên mái văn phòng, nhà xưởng, giảm lấy điện từ lưới – thậm chí bổ sung vào lưới điện thì sẽ giảm gánh nặng thiếu điện, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của khu vực và quốc gia vừa có lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có nên đầu tư điện năng lượng mặt trời ở thời điểm này?

Đây là thời điểm doanh nghiệp rất nên đầu tư điện năng lượng mặt trời và thực tế nhiều doanh nghiệp cũng đang tận dụng khoảng thời gian 3 tháng cuối năm 2020 để lắp đặt, hoàn thiện hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Có 3 lý do chính giải thích điều này:

  • Suất đầu tư điện mặt trời đã giảm: Xu hướng phát triển điện mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới khiến công nghệ điện mặt trời ngày càng phát triển, các “ông lớn” tham gia thị trường cung ứng ngày càng nhiều. Giá vật tư giảm khiến chi phí lắp đặt điện năng lượng mặt trời cũng giảm theo. Điều này giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi đầu tư hệ thống điện mặt trời ở thời điểm hiện tại.
  • Giá FIT 2 đang rất hấp dẫn: Giá điện mặt trời hiện đang áp dụng biểu giá FIT 2 theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg (ban hành ngày 04/6/2020). Trong đó, giá mua bán điện mặt trời mái nhà cao nhất trong các loại hình, ở mức 1.943 đồng/kWh (tương đương 8,38 cent/kWh). Đơn giá này sẽ được kéo dài 20 năm, đảm bảo về lợi nhuận cho chủ đầu tư.
  • Điện mặt trời mái nhà đang được khuyến khích: Điện mặt trời nói chung, điện mặt trời áp mái nói riêng đang được Nhà nước khuyến khích phát triển, thể hiện rõ ràng, cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật, trên nhiều phương tiện thông tin truyền thông. Việc đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cũng được các đơn vị, cơ quan ban ngành tạo mọi điều kiện thuận lợi. Do vậy, nếu đầu tư điện năng lượng mặt trời cho doanh nghiệp thời điểm này thì sẽ rất thuận lợi và hiệu quả.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN